http://www.nguyenhoangcentury.vn/Upload/News/bat-dong-san-mien-tay-nhc-group-1.jpg;

Bất động sản miền Tây được hâm nóng

Không chỉ đầu tư vào các tỉnh lân cận TP.HCM như Long An, Đồng Nai… nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) lớn đang đổ vốn làm dự án nhà đất ở nhiều tỉnh, thành miền Tây Nam bộ như Cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau.

Bất động sản miền Tây

Các ông lớn đua nhau đổ bộ 

Nếu vài năm trước miền Tây không phải là miền đất tiềm năng đối với các đơn vị phát triển dự án BĐS do hạ tầng giao thông kém phát triển, tốc độ đô thị hóa chậm thì thời gian gần đây, thị trường này đang sôi động lên từng ngày. Nhiều dòng vốn đầu tư đổ về nhờ sự thay đổi hạ tầng giao thông, sự phát triển kinh tế của nhiều địa phương.

Minh chứng cụ thể là sự hiện diện gần đầy đủ các tập đoàn BĐS lớn như Novaland, FLC, T&T, Cát Tường, Trần Anh

Sau khi đã phát triển một số dự án khu đô thị (KĐT) tại thị trường Long An, Tập đoàn Địa ốc Cát Tường triển khai tiếp KĐT có quy mô gần 80 ha tại TP Vị Thanh, Hậu Giang. Đây cũng là nơi có sự đầu tư của các tập đoàn TNR, DIC Sao Mai và Vingroup.

Cần Thơ vẫn là điểm đến thu hút nhiều chủ đầu tư có tên tuổi. Ông lớn Novaland đã phát triển dự án BĐS nghỉ dưỡng tại TP này. KITA Group cũng đầu tư dự án quy mô hơn 150 ha, vốn đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng với nhiều phân khu chức năng như nhà ở, thương mại, giải trí.

Cần Thơ đang thu hút nhiều tập đoàn khảo sát, nghiên cứu các dự án KĐT thương mại dịch vụ như các tập đoàn Hòa Phát, Sovico, T&T… Ngoài ra, nhiều tập đoàn còn lên kế hoạch phát triển dự án khu công nghiệp, trung tâm logistics, dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... tại đây.

Trong khi đó, thị trường Cà Mau đang sôi động nhờ thông tin quy hoạch hạ tầng và kinh tế khởi sắc từ gói đầu tư phát triển lĩnh vực khí - điện - đạm, năng lượng sạch. Như trong năm 2021, Tập đoàn T&T đã trúng thầu dự án KĐT mới nhóm 5 (TP Cà Mau) với diện tích gần 23 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng. Ngoài ra, tập đoàn này còn nghiên cứu, lập quy hoạch khu vực sân bay Cà Mau và thực hiện đầu tư hàng loạt dự án lớn khác như cảng nước sâu Hòn Khoai, tuyến cao tốc đoạn từ TP Cà Mau đến Mũi Cà Mau...

Các tháng cuối năm 2021, một số khu vực tại miền Tây xuất hiện tình trạng sốt đất, giao dịch bùng nổ khiến giá đất tăng mạnh. Theo báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), có những dự án đã tăng giá 5%-10% trong tháng 12 và đầu năm 2022. Sức nóng ngày càng gia tăng giúp thị trường này thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư, nhất là ở những sản phẩm đất nền, dự án giá dưới 1 tỉ đồng, dự án KĐT được quy hoạch hiện đại.

Đất nền miền Tây

Đất nền, nhà phố chiếm sóng

Ông Hồ Quang Tây, đại diện Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), cho biết thị trường miền Tây đang dần vững mạnh, trở thành điểm đến thu hút đầu tư dựa trên thế mạnh điều kiện tự nhiên và hệ thống giao thông đồng bộ.

Cụ thể, những năm gần đây miền Tây tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, tạo ra mạch nối thuận lợi. Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông dự kiến hoặc đang được triển khai như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc kết nối giữa Hà Tiên - Rạch Giá - Sóc Trăng, cao tốc giữa Cần Thơ - Cà Mau... giúp giao thông đường bộ được thuận lợi. 

Ngoài ra, miền Tây thu hút các chủ đầu tư BĐS lớn vì giá đất các tỉnh, thành khu vực này hiện tại còn rất thấp nên có tiềm năng tăng giá.

bất động sản ở miền tây

Ông Đỗ Hoàng Dương, chuyên gia BĐS, đánh giá sự thu hút đầu tư của Tây Nam bộ là tín hiệu tích cực. Khi BĐS phát triển thì kéo theo kinh tế - xã hội khu vực đó cũng phát triển theo.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung về GDP thì Tây Nam bộ vẫn thấp hơn so với nhiều tỉnh, thành khác. Vì thế, ông Dương cũng nhìn nhận tính thanh khoản của thị trường miền Tây sẽ kém hơn khu vực khác. Tuy nhiên, mặt bằng giá đất còn thấp, quỹ đất còn nhiều, dân cư thưa nên các chủ đầu tư sẽ chú trọng phát triển sản phẩm đất nền, nhà phố xây sẵn với giá hợp lý.

Theo ông Dương, để tránh tình trạng đầu cơ đất nền, mua đất mà không xây nhà thì khu vực Tây Nam bộ nên quy định các dự án nằm ở khu vực đô thị buộc phải xây nhà xong mới được bán. Còn những dự án ở khu vực nông thôn thì được phép bán nền đất.

Theo các chuyên gia, khi quỹ đất tại TP.HCM không còn nhiều, các tập đoàn đổ về miền Tây Nam bộ là chuyện đương nhiên vì nơi đây còn nhiều quỹ đất, tiềm năng về kinh tế - xã hội và nhân lực của khu vực tốt. Để cải thiện thu nhập bình quân đầu người tại đây thì phải phát triển thêm về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội và chú trọng vào kinh tế đô thị.

Giá bất động sản tại nhiều tỉnh miền Tây đã tăng 30%-35%
Theo báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, tính từ năm 2019 đến nay, giá BĐS tại nhiều tỉnh ở miền Tây đã tăng 30%-35%. Trong năm 2021, do ảnh hưởng từ dịch bệnh, dù giao dịch bị chững lại nhưng giá nhà vẫn tăng 20%-25%. Riêng hai tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, xu hướng tăng giá vẫn diễn ra tại nhiều phân khúc, đặc biệt là đất nền, nhà phố mặt tiền.
Theo Pháp luật
HỎI/ĐÁP - ĐÁNH GIÁ VỀ BÀI VIẾT