http://www.nguyenhoangcentury.vn/Upload/News/anh-nen-trong-lua-tin-chi-carbon-1.jpg;

Trồng lúa để bán tín chỉ Carbon?

Sản xuất lúa để bán sản phẩm chính (lúa, gạo) và phụ phẩm (rơm, cám, trấu…) là chuyện đã quá quen thuộc với người nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, với đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, lần đầu tiên có thêm một sản phẩm đặc biệt được đưa ra bán, đó là tín chỉ khí thải carbon dioxide (CO2).

Trồng lúa bán tín chỉ Carbon

Sản xuất lúa trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (giảm phát thải khí CO2) đã được Việt Nam triển khai tại 8 địa phương vùng ĐBSCL, bao gồm Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang và Cần Thơ thông qua dự án VNSAT (dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, hiện đã kết thúc) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.

Tuy nhiên, câu chuyện bán tín chỉ khí COlần đầu tiên được đề cập đến tại đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây cũng là hướng sản xuất phù hợp với xu thế tiêu dùng mới hiện nay.

Sản xuất “lúa xanh”, bắt nhịp xu thế tiêu dùng mới

Câu hỏi nhận được sự quan tâm của nhiều người hiện nay, đó là làm thế nào để giảm lượng phát thải khí CO2 trong quá trình canh tác lúa ở ĐBSCL?

Bán tín chỉ carbon từ cây lúa

Các nhà khoa học tại hội thảo “Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang mới đây đã nhấn mạnh, muốn giảm lượng phát thải, bắt buộc phải ứng dựng quy trình sản xuất tiến tiến, công nghệ mới vào quá trình sản xuất…

Cụ thể, như mô hình “3 giảm- 3 tăng”, tức giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón và giảm thuốc trừ sâu để tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả hay áp dụng quy trình canh tác “1 phải -5 giảm”, tức phải sử dụng giống lúa xác nhận; giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm thất thoát sau thu hoạch.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đề án nêu trên có mục tiêu xuyên suốt là hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao với hệ thống sản xuất được tổ chức theo chuỗi giá trị; áp dụng các tiêu chuẩn bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho người trồng lúa…

Để đạt được kết quả giảm phát thải khí CO2, đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025, giảm lượng giống gieo sạ còn 80 kg/héc ta, giảm lượng phân bón có nguồn gốc hoá học 30%; giảm lượng nước tưới 30%; đến năm 2030, giảm lượng giống gieo sạ còn 80 kg/héc ta, giảm lượng phân bón có nguồn gốc hoá học 40% và giảm lượng nước tưới 30%.

Việc “định vị” ngành nông nghiệp nói chung và ngành lúa gạo nói riêng đi theo hướng tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế tiêu dùng mới hiện nay.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, ngành nông nghiệp Việt Nam đứng trước 3 biến lớn, đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. “Trong 3 biến đó, thì biến chuyển xu thế tiêu dùng mới là cái quyết định”, ông nhấn mạnh và dẫn chứng, người tiêu dùng hiện nay đã chú trọng sử dụng sản phẩm được sản xuất phải thân thiện với môi trường, không gây ra hiệu ứng biến đổi khí hậu hoặc đánh đổi bằng đa dạng sinh học, bằng sức khỏe của cộng đồng…

Vị tư lệnh ngành nông nghiệp Việt Nam dẫn lời của bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam khẳng định: “Không sớm, thì muộn nhãn sinh thái là bắt buộc phải có trên sản phẩm mới được đưa lên kệ hàng của những trung tâm tiêu dùng, chứ không chỉ là nâng cao chất lượng. Do đó, ai (quốc gia, tổ chức, cá nhân- PV)  thức tỉnh sớm sẽ về sớm”.

WB lên kế hoạch chi trả tín chỉ CO2 cho nông dân

Sản xuất theo hướng giảm phát thải khí CO2 không chỉ phù hợp với xu thế tiêu dùng mới, mà quan trọng hơn đây sẽ là cơ hội để nông dân Việt Nam bán tín chỉ khí CO2 nhờ vào việc canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính.

Bán tín chỉ carbon từ cây lúa

Theo đó, các quốc gia, tổ chức, cá nhân sẽ có một lượng hạn ngạch phát thải khí CO2 được phép phát thải trong một thời gian nhất định (được tính theo tấn khí CO2). Trường hợp một quốc gia, tổ chức hay cá nhân không sử dụng hết lượng hạn ngạch được cấp phép, thì có thể bán lại cho quốc gia, tổ chức và cá nhân có lượng phát thải vượt quá hạn ngạch được phép.

Như vậy, với trường hợp ngành lúa gạo sản xuất phát thải thấp, thì trường hợp lượng hạn ngạch không sử dụng hết, có thể bán cho các quốc gia, tổ chức hoặc cá nhân khác có mức phát thải vượt mức hạn ngạch được phép (có nhu cầu mua) để thu về một nguồn lực về tài chính.

Ông Cao Thăng Bình, Chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB tại Việt Nam gọi cho biết, việc tính đến chuyện bán tín chỉ CO2 thông qua đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam hiện là cơ hội chín muồi.

“Vì sao tôi nói đây là cơ hội chín muồi?”, ông nêu câu hỏi và cho rằng, vì nhóm VNSAT đã làm thành công dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững, giúp giảm lượng phát thải khí CO2 rất lớn. “Sau 7 năm chúng ta làm VNSAT đã đạt 184.000 héc ta áp dụng 3 giảm -3 tăng, 1 phải – 5 giảm là con số rất lớn, giúp lợi nhuận người nông dân tăng 30% so với không làm”, ông dẫn chứng và cho rằng, VNSAT cũng giúp người nông dân giảm 40% lượng nước tưới, 50% lượng thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác.

Qua con số nêu trên, ông Bình cho rằng, người nông dân đã rất hào hứng tham gia, dù dự án VNSAT chưa đề cập gì đến chuyện bán thải khí CO2. “Tuy nhiên, khi tổng kết dự án, chúng tôi thấy loé lên tia sáng mới, đó là đã có khoảng 1,5 triệu tấn CO2 được cắt giảm và nếu chúng ta đem kết quả giảm CO2 trong VNSAT bán đi, thì có thể mang lợi nhuận cao hơn cho người nông dân”, ông cho biết.

Theo ông Bình, từ thành công trong việc cắt giảm CO2 của VNSAT, cho nên, WB thấy cần phải “có trách nhiệm” (trong việc chi trả tín chỉ CO2– PV) nên đã tìm được cơ hội mang Quỹ tài chính khí hậu và chi trả CO2 do đơn vị này quản lý trở vào Việt Nam. “Từ đây đến 2024, chúng tôi sẽ có 1 cơ chế tạm thời nào đó làm cho nhanh, gọn để có thể chi trả được tiền cho các nông dân VNSAT”, ông nhấn mạnh và giải thích, đây sẽ là tiền đề để triển khai tiếp cho đề án 1 triệu héc ta.

Qua tính toán sơ bộ của ông Bình, với 1,5 triệu tấn CO2 được cắt giảm từ VNSAT, sẽ mang về cho người nông dân 10-20 triệu đô la Mỹ mỗi năm hoặc nhiều hơn. “Dù dự án VNSAT đã kết thúc, nhưng “thành quả” đó vẫn duy trì, nếu nông dân tiếp tục áp dụng quy trình sản xuất cắt giảm CO2”, ông nhấn mạnh.

Trong giai đoạn mới đối với đề án 1 triệu héc ta, ông Bình cho biết, từ nay đến năm 2024, WB sẽ huy động khoảng 40 triệu đô la Mỹ không hoàn lại từ Quỹ Tài chính khí hậu và chi trả CO2 và năm 2025-2026, sẽ có thêm 60 triệu đô la Mỹ nữa. “Nhưng, chúng tôi muốn sau 100 triệu đô la Mỹ không hoàn lại này, sẽ tiếp tục tài trợ 300-400 triệu đô ma Mỹ nữa để thực hết phần còn lại để đạt 1 triệu héc ta”, ông Bình nhấn mạnh.

Bán tín chỉ CO2 sẽ giúp người nông dân có thêm nguồn thu nhập, nhưng theo ông Bình, điều quan trọng hơn của việc đầu tư vào ngành lúa gạo là dù có bán hay không bán tín chỉ CO2, thì ngành hàng này ở ĐBSCL cũng cần phải thay đổi, phải hiện đại hoá hơn…

Thị trường carbon bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua vào năm 1997.Sau nghị định thư Kyoto, thị trường carbon hiện đã phát triển mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm ở cả châu Âu, Mỹ và châu Á.Theo đó, sẽ có hai loại thị trường carbon chính, bao gồm thị trường carbon bắt buộc (mandatory carbon market), tức việc mua bán dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giam khí nhà kính; và thị trường carbon tự nguyện (voluntary carbon market), tức dựa trên cơ sở thoả thuận song phương hoặc đa phương của các tổ chức, công ty hoặc quốc gia (bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội…).

Nguồn: thesaigontimes.vn

Doanh nghiệp cần bắt đầu từ đâu? 
Để tham gia vào thị trường carbon trong nước, doanh nghiệp cần xây dựng năng lực thực hiện kiểm kê KNK và lập kế hoạch giảm phát thải KNK phù hợp nhằm giảm cường độ phát thải KNK và đóng góp vào các mục tiêu khí hậu quốc gia. Ngoài ra, doanh nghiệp nên trang bị kiến thức về thị trường carbon cũng như các cơ chế định giá carbon trước khi tham gia vào thị trường đặc biệt này.
Nguyễn Hoàng Century - NHC Group chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn - đào tạo các tiêu chuẩn quốc tế về khí nhà kính và kiểm định carbon, cung cấp giải pháp và hướng dẫn doanh nghiệp kiểm kê khí nhà kính và tham gia thị trường carbon đáp ứng các yêu cầu luật định và yêu cầu từ khách hàng quốc tế.
THÔNG TIN LIÊN HỆ
  • CÔNG TY CỔ PHẦN NGUYỄN HOÀNG CENTURY - NHC GROUP
  • Địa chỉ: B42 Đường số 2, KDC Kim Sơn, P. Tân Phong, Quận 7, TP.HCM.
  • Điện thoại: 028 7300 2006
  • Phòng dự án: 0283 7734 279 | 0913 733 557
  • Email: info@nhc-group.vn
HỎI/ĐÁP - ĐÁNH GIÁ VỀ BÀI VIẾT